Đặng Xuân Thiều (1909 - 1965) : Sinh ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định, con một chiến sĩ của phong trào văn thân. Mất năm 1965 tại Hà Nội. Dù không sinh ra trên đất Hải Phòng nhưng Đặng Xuân Thiều đã giành cả một đời trai trẻ nhiệt huyết để sống chiến đấu, tổ chức và xây dựng cách mạng Hải Phòng những năm ba mươi nửa đầu thế kỷ. Trong sự nghiệp cách mạng của mình người chiến sĩ ấy đồng thời cũng là một thi sĩ.
Gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội từ đất Hải Phòng; rồi Đặng Xuân Thiều trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương ngay từ khi thành lập; là một trong số các uỷ viên Thành uỷ đầu tiên của Hải Phòng năm 1930. Ông đã đi vào phong trào cộng sản hoá để vận động công nhân giác ngộ trong hãng đóng tàu Sôva, nhà máy Quảng Sinh Long, nhà máy
Carông, hãng buôn Sáp phăng-giông. Ngày 28/7/1929 Hội nghị đại biểu Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ họp lần thứ I tại Hà Nội, ông là một trong 3 đại biểu của công hội đỏ Hải Phòng dự họp. Ông cũng là người từng viết cho báo Đồng Lòng, Tranh đấu và các tờ báo của công đoàn và Đảng bộ Hải Phòng lưu hành bí mật thời đó.
Như những chiến sĩ cách mạng khác, Đặng Xuân Thiều cũng làm thơ và có nhiều bài thơ đặc sắc. Năm 1978, Nhà xuất bản Văn học đã cho ra mắt tập thơ Đặng Xuân Thiều gồm 68 bài, trong đó có 65 bài viết trước cách mạng. Trong tổng tập Văn học Việt Nam tập 35 của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, ông được tuyển chọn 29 bài. Đặc biệt trên hơn một nửa, Đặng Xuân Thiều viết ở Hải Phòng và viết về con người, sự kiện của đất Hải Phòng những năm 1928 1945.
Thơ Đặng Xuân Thiều trước hết là thơ của người thanh niên yêu nước giác ngộ về sứ mệnh cao cả của giai cấp công nhân trước vận mệnh của dân tộc và sự nghiệp cách mạng xã hội. Hàng loạt các bài thơ như: Trả lời cha, Người thợ, sốt ruột, thất nghiệp, xóm Lạc Viên, Thăm xóm chài ở Đồ Sơn, Bãi công ở Hải Phòng, vô sản diễn ca... đều viết trong thời gian Đặng Xuân Thiều đi vào vô sản hoá ở Hải Phòng. Ông diễn thuyết trong các xí nghiệp, trường học, rạp hát và viết báo. Chính tại đây, ông đã viết vô sản diễn ca (dài 400 câu) để truyền bá tư tưởng Lê Nin và kêu gọi cách mạng vô sản. Vô sản diễn ca của Đặng Xuân Thiều đã được lưu truyền suốt Trung Nam Bắc. Khi sưu tầm văn học cách mạng, nhiều người đã từng gặp Vô sản diễn ca với nhiều dị bản và liệt vào loại khuyết danh, mãi sau này khi tập thơ Đặng Xuân Thiều được xuất bản mới hay rằng ông là tác giả.
Giữa năm 1930, địch điên cuồng đánh phá các cơ sở cách mạng ở Hải Phòng; gần nửa số Đảng viên và nhiều quần chúng cách mạng bị bắt. Nhà lao Hải Phòng giam đến gần 100 tù chính trị. Trước tình hình ấy, tháng 9/1930 Tỉnh uỷ lập Uỷ ban tranh đấu gồm 5 uỷ viên do tỉnh uỷ viên Đặng Xuân Thiều phụ trách. Theo chủ trương của tỉnh uỷ, uỷ ban đã tổ chức rải truyền đơn khắp thành phố trong ngày 5 và 7 tháng 9 năm 1930 kêu gọi nhân dân biểu tình, chống khủng bố, bắt bớ. Nhân dân nội thành, ven nội, sôi nổi hưởng ứng. Ngày 7/9/1930 thực sự là ngày biểu dương lực lượng, là đỉnh cao của phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, học sinh và các giới lao động khác ở Hải Phòng trong năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy kết quả, trong nửa cuối tháng 9 và tháng 10-Uỷ ban tranh đấu liên tiếp phát động phong trào ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh.., chống khủng bố trắng, phá âm mưu điều hai chiến hạm Phênich và La Pêru sang đàn áp phong trào cách mạng Trung Quốc... Phong trào đang phát triển thì đêm 23/11/1930 địch phục kích bắt được hầu hết các uỷ viên Uỷ ban tranh đấu, nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ. Năm 1931 Đặng Xuân Thiều bị đầy ra Côn Đảo. Năm 1936 do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp nên được tha về tiếp tục hoạt động. Cuối năm 1939 lại bị bắt kết án tù chung thân, lần lượt bị giam ở Hoả Lò Hà Nội, Bắc Mê, Nghĩa Lộ, Bá Vân. Ở trong các nhà tù Đặng Xuân Thiều tham gia các hoạt động chống chế độ hà khắc, tổ chức huấn luyện, làm thơ ca theo chủ trương của chi uỷ nhà tù. Sau khởi nghĩa, trong kháng chiến chống Pháp, ông công tác trong ngành tư tưởng, văn hoá. Sau hoà
bình chuyển về Bộ Văn hoá, rồi làm Giám đốc Bảo tàng cách mạng Việt Nam. Ông đã cùng đòng sự thu thập tư liệu, hiện vật, tổ chức giám định công phu góp phần xây dựng Bảo tàng cách mạng thành một cơ quan giáo dục, một cơ quan nghiên cứu và đào tạo cán bộ chuyên ngành.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung Đặng Xuân Thiều mà cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó mật thiết với đồng bào, đồng chí Hải Phòng vào thời kỳ khó khăn nhất đã qua đời tại Hà Nội sau 2 năm đau ốm do hậu quả của chế độ hà khắc, tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân...
Cũng như một số nhà thơ cách mạng khác như: Tố Hữu, Sóng Hồng, Xuân Thuỷ, Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu, ... Đặng Xuân Thiều có mảng thơ viết trong nhà tù đế quốc (17 bài). Ông bị đich bắt đi bắt lại và vượt ngục nhiều lần. Một số bài thơ như: Bất chợt, Đêm ngục, Nghiêm Thượng Biền,Vè tướng chuột... là viết trong nhà giam của Sở mật thám và nhà tù Hải Phòng. Thơ viết trong tù của Đặng Xuân Thiều có nhiều bài thơ vượt ra ngoài khuôn khổ của một bài thơ ghi việc, ghi sự đời theo kiểu tức sự nói trí, tự hào thường gặp một thời. Bài thơ trữ tình Hỡi cô đồng chí nhỏỏỏỏ của ông dài hơn 100 câu có hơi hường phảng phất như Tỳ bà hànhhhh lời thơ xúc động, mượt mà... miêu tả một cô gái Hải Phòng mồ côi được ông giác ngộ trở thành người cộng sản:
Đón em ta nhớ một chiều
Một cô gái nhỏ veo veo đẩy goòng
Hỡi cô đồng chí tí hon
Từ nay em đã thành con Người rồi
(Hỡi cô đồng chí nhỏ)
Đặng Xuân Thiều còn có mảng thơ viết giữa những đợt đi tù về. Mảng thơ này (33 bài) gồm những bài đặc sắc về nghệ thuật như: Cố hương, Chiều Bạch Đằng, Tổ quốc khúc hát Bạch Đằng, Em gái mù, Ngẫm nghĩ, Tiễn đưa... Ngay tên của những bài thơ này đã gợi ít nhiều về một hiện thực Hải Phòng trước cách mạng. Chẳng hạn bài 'Em gái mù' viết về một cô gái nghèo sống bằng nghề hát rong, lang thang đây đó theo các khu chợ, bến đò của Hải Phòng.
Tiếng em cao vắt bên đèo
Trong như hạt móc, nhẹ gieo tơ vàng
Lòng em vời vợi đoạn trường
Cất lên tiếng hát bi thương thuở nào
Nhà thơ bộc lộ nỗi thương cảm về số phận của con người và tỏ lòng tin tưởng về một ngày mai cách mạng sẽ đổi đời cho cô bé. Bài thơ làm liên tưởng đến 'Tiếng rao đêm', 'Hai đứa trẻ' của Thạch Lam, 'Tiếng hát sông Hương' của Tố Hữu cũng viết trong thời gian này.
Đọc thơ Xuân Thiều ta có cảm tưởng không chỉ là hứng thú chính trị, hứng thú tranh đấu, mà còn thực sự hứng thú thẩm mỹ, hứng thú sáng tạo chi phối ngôn từ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét