Trịnh Tam Tỉnh (1907 - 1992) : Quê l. Vô Ngại, h. Thư Trì, nay thuộc x. Dũng Nghĩa, h. Vũ Thư. Học trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội, hoạt động trong phong trào yêu nước đòi thảPhan Bội Châu và truy điệu Phan Châu Trinh (1925-1926). 1926, vào Hội VNCMTN. 1929, tham gia đoàn ám sát của VNQDĐ. Ngày 15-8-1929, được cử đi ám sát Bùi Tiến Mai ở Thái Bình phản đảng. Do đồng đội là Phạm Huấn sơ ý để súng nổ bị thương, khiến cả toán đều bị bắt trước khi thi hành nhiệm vụ. Ngày 22-10-1929, bị tòa đềhình Hà Nội kết án 10 năm cầm cố, đầy ra Côn Đảo. 1930, được kết nạp vào Đảng CSĐD tại nhà tù Côn Đảo. 1936 ra tù, bị quản thúc tại Thái Bình, vẫn liên hệ được với tổ chức Đảng và hoạt động rất tích cực. 12-1939, lại bị bắt, giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Bắc Mê, Sơn La, Bá Vân. Thoát khỏi nhà tù khi Nhật đảo chính Pháp, đượcĐảng giao nhiệm vụ về vùng Hòn Gai, Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ... xây dựng cơ sở Đảng và phong trào cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau Cách mạng tháng 8-1945, được cử làm Chủ tịch UBHC khu đặc biệt Hòn Gai và là đại biểu Quốc hội khóa I t. Quảng Yên. Trong KCCP được cử giữ các trọng trách: Trưởngban dân quân Chiến khu III, Khu ủy viên Khu III (1947-1948); Liên khu ủy viên, Trưởng ban Kinh tế Tài chính Liên khu III (1948-1949); đặc phái viên của Cục Quân giới tại Liên khu III - IV và phụ trách công xưởng hóa chất miền Nam, một cơ sở sản xuất vật liệu chiến lược cho cuộc kháng chiến (1949-1955). Từ 1955, lần lượt được cử giữ các chức vụ: Phụ trách phòng Viện trợ Cục Xây dựng Bộ Công thương; Cục phó Cục Xây dựng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc; ủy viên Đảng đoàn, Cục trưởng Cục Cung ứng vật liệu Bộ Kiến trúc; Viện trưởng Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng; Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng Bộ Xây dựng. Nghỉ hưu 1975. Khen thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Đặng Châu Tuệ (1907- 1998) : Quê xóm Nam, l. Bình An, tg Khê Kiều,
h. Thư Trì (nay thuộc x. Song An, h. Vũ Thư). Con một gia đình khá giả, thời
niên thiếu là học sinh sơ học Pháp Việt ở Thái Bình, sau học trường Thành Chung (Nam Định), là một trong những
người khởi xướng phong trào bãi khóa và tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan
Chu Trinh ngày 11-3-1926 tại Nam Định. 1930, bị Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò
(Hà Nội), rồi đầy ra Côn Đảo. Sau 7 năm ở Côn Đảo, 1936 ra tù về quê tiếp tục
hoạt động. 7-1936, về h. Vũ Tiên bắt liên lạc với các đồng chí Hồ Sĩ Luyện, Hồ
Sĩ Đào (Thuận An), phân công nhau đi gặp lại một số đồng chí trong các chi bộ để
truyền đạt chủ trương của cấp trên. Từ đầu 1938, phụ trách nhà đại lý báo của Đảng
bộ Nam Định, đầu 1939 được điều động về phụ trách hiệu sách "Phạm Đình
Truy" của Đảng bộ Thái Bình thay đồng chí Truy đi công tác khác. 1940, lại
bị Pháp bắt giam, báo Đông Pháp ngày 7-7-1940 đưa tin: " Quan Thống sứ Bắc
Kỳ ký nghị định để những người tên đăng dưới đây, xét ra nguy hiểm cho cuộc trị
an, vào một nơi riêng: Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Công Truyền, Trịnh Tam Tỉnh, Nguyễn
Duy Phiên, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Ngọc Tú... quê ở Thái
Bình". Sau Cách mạng tháng 8-1945 là Chủ tịch UBHC t. Nam Định, đại biểu
Quốc hội khóa I t. Nam Định, đặc phái viên của Chính phủ. Ngày 30-9-1947, Chủ tịch
Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 237/SLM cử Đặng Châu Tuệ giữ chức Chủ tịch UBKCHC t.
Ninh Bình. Sau 1954, là Chánh tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao cho đến lúc
nghỉ hưu.
Lãnh Hoan (giữa tk. XIX- đầu tk. XX) : Tên thật là Nguyễn Quang Hoan,
người l. Quân Bác, x. Vân Trường, p. Kiến Xương (nay thuộc x. Vân Trường, h. Tiền
Hải). Ông là cử nhân võ triều Nguyễn, tay dài quá gối, có sức khỏe phi thường,
đã từng tay không đánh hổ cứu bạn ở Thanh Sơn Phú Thọ. Ông theo Viên Bổn và Ngô
Quang Đàm quyết tử chiến bảo vệ thành Nam Định. Thành mất ông rủ các nghĩa binh
như Đinh Quang Nhưỡng, Bùi Như Quảng… lên Hưng Hóa theo Nguyễn Quang Bích chống
Pháp. Ông được giao huấn luyện quân sĩ và là tướng cận vệ. Hai lần Nguyễn Quang
Bích đi sứ đều có ông hộ tống. Khi Nguyễn Quang Bích mất, ông được phân công ở
lại cùng 10 binh sĩ trông coi phần mộ của chủ tướng. Sau 3 năm mãn tang, ông tiếp
tục cùng Ngô Quang Đoan chống Pháp, đánh trận Khả Cửu, trận Chợ Bờ Hòa Bình,
tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí cho nghĩa quân. Sau Pháp bắt được
ông cho ném xuống biển làm mồi cho cá, ông bơi mấy ngày đêm vào đất liền, lại
tiếp hoạt động chống Pháp tại miền Hưng Yên. Pháp lại bắt được ông, đầy đi Côn
Đảo. Bọn cai ngục đánh ông gẫy ba răng cửa, tưởng ông chết già trên đảo, nhưng
ông lại đóng bè vượt biển và trở về quê lúc đã ngoài sáu mươi tuổi. Ngay đêm đầu
tiên trở về quê, ông mài dao định đi lấy
đầu viên Tri phủ. Cả nhà can ngăn mãi mới thôi. Ngay hôm sau ông sang đền thờ
chủ tướng, dập đầu khóc nức nở rồi sau đó cùng Ngô Quang Đoan lên Bàn Long chân
núi Tam Đảo lập căn cứ chống Pháp. Nay tên tuổi của Ông được phối thờ tại đền
Tiên Động h. Cẩm Khê, t. Phú Thọ.
Lê Mạnh Hiến (? - 1933) : Quê l. Bộ La, h. Vũ Tiên (nay
thuộc x. Vũ Ninh, h. Vũ Thư), xuất thân trong một gia đình nho học, là cháu gọi
Lê Ngọc Dư bằng chú ruột. 1925, ra Hải Phòng làm thư ký cho hãng dầu xăng Con
Sò (Shell). 1927, gia nhập Hội VNCMTN (do Nguyễn Tường Loan, Bí thư Tỉnh bộ Hải
Phòng kết nạp). 1929, được chuyển sang ĐCS ngay đợt đầu. Sau đó được điều về
công tác ở nhà máy sợi Nam Định, trực tiếp làm công nhân nhà máy này theo chủ
trương vô sản hóa của Đảng. 1930, tham gia BCH Tỉnh đảng bộ Nam Định. Ngày
23-10-1930 bị bắt tại Nam Định và bị kết án 10 năm tù khổ sai. 1931 bị đày đi
Côn Đảo. 1933 tổ chức kết bè vượt đảo, mất tích.
Lê Ngọc Dư (?-1933) : Xuất thân trong một gia đình nho
học ở l. Bộ La, h. Vũ Tiên (nay thuộc x. Vũ Ninh, h. Vũ Thư). Dòng họ Lê Ngọc
vào cuối triều Nguyễn có hai người đỗ Cử
nhân là Lê Ngọc Chất (cha Lê Ngọc Dư) và Lê Ngọc Phác. Cả hai đều không ra làm
quan với chính quyền thực dân. Lê Ngọc Dư học chữ Hán, sau chuyển sang học trường
Pháp Việt. 1925 ra Hải Phòng làm thư ký cho luật sư người Pháp là Larơ
(Larres). Luật sư Larơ đã tham gia bào chữa cho nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội
Châu. Chính nhờ làm việc ở văn phòng luật sư mà Lê Ngọc Dư sớm được tiếp xúc với
sách báo tài liệu cách mạng ở nước ngoài gửi về lưu trong hồ sơ vụ án các chính
trị phạm, trong đó có tài liệu sách báo của Nguyễn ái Quốc khi hoạt động ở
Pháp. 1927, được Nguyễn Tường Loan kết nạp vào Hội VNCMTN, 1929 được chuyển
sang ĐCS ngay đợt đầu. Sau đó, Đảng điều Lê Ngọc Dư về Nam Định tham gia BCH Tỉnh
đảng bộ. Ngày 11-10-1929, bị Tri huyện Mỹ Lộc Đỗ Quý Bình bắt tại cơ quan Tỉnh
bộ, bị kết án khổ sai chung thân, giam ở nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội). Trong nhà tù,
ngày 22-3-1930, Lê Ngọc Dư đã ám sát hụt tên Nguyễn Tuân (tức Kim Tôn) phản bội
khai báo với Tây để cơ sở bị phá, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt bớ giết hại.
Nhân việc này, tòa án thực dân kết án tử hình, sau giảm xuống khổ sai chung
thân. 1931 bị đày đi Côn Đảo, 1933 cùng Lê Mạnh Hiến, Trần Công Thái, Lều Thọ
Nam … kết bè vượt đảo. Sau có tin bị vỡ bè chết đuối, lại có tin bị địch đuổi kịp
thủ tiêu tất cả số tù trốn.
Lê Toàn Thư (1921- 2001) : Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình
(1947-1948). Tên thật là Nguyễn Tất Văn, quê quán x. Bạch Cừ, h. Gia Khánh (nay
là h. Hoa Lư), t. Ninh Bình; tham gia cách mạng 1938, hoạt động trong nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác
của học sinh trường Bưởi (Hà Nội), 1940 được kết nạp vào ĐCSĐD. 1942 làm thư ký
cho đồng chí Hoàng Văn Thụ, rồi thư ký cho đồng chí Trường Chinh, biên tập viên
báo Cứu Quốc Trung ương, trong Ban cán sự Đảng t. Phúc Yên. 1943 bị địch bắt,
tù ở Hà Nội, Côn Đảo. Cách mạng tháng 8-1945 được đón về Nam Bộ, làm Trưởng ban
Thanh vận t. Hậu Giang, sau làm Bí thư Huyện ủy Trà Ôn (Cần Thơ). 1946 được điều
ra Bắc, tham gia Thành ủy Hải Phòng - Kiến An, Phó Chủ tịch UBKC Hải Phòng - Kiến
An, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (7/1947- sau 2/1948), sau đó về Tổng bộ Việt Minh
làm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, rồi lại được điều vào Nam Bộ làm thư
ký cho đồng chí Lê Đức Thọ. Từ 1949-1954 là Xứ ủy viên Nam Bộ, Trưởng ban Tổ chức,
Trưởng ban Kiểm tra Xứ ủy, cán bộ Trung ương cục miền Nam. Từ 10/1954 - 1960,
là Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, Trưởng ban Tổ chức rồi Trưởng ban Tuyên huấn Xứ ủy.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9-1960) được bầu làm ủy viên dự khuyết
BCHTƯ Đảng, được phân công làm Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, rồi làm
Trưởng đoàn đại diện MTDTGPMNVN tại Cu Ba, Phó trưởng ban Thống nhất Trung
ương, Phó trưởng ban Công tác quốc tế nhân dân Trung ương, Phó trưởng ban Dân vận
và Mặt trận Trung ương. Nghỉ hưu 1982. Khen thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh,
Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất,
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều
Huân, Huy chương khác.
Lê Tuân (s. 1910) : Tức Vũ Hiền, quê l. Mọc Cự Lộc,
nay là ph. Nhân Chính, q. Thanh Xuân, Hà Nội. Là con trai Tổng đôc Lê
Hoan, năm 1927 gia đình cho về l. Luật
Trung (Kiến Xương) ở với chị gái là bà Cúc (vợ Tuần phủ Bắc Giang Trần Đình Lượng)
và làm quản lý ở xưởng dệt chiếu của Trần Đình Trọng. Năm 1929 được kết nạp vào
VNCMTN, được cử làm Bí thư chi bộ Luật Trung gồm 6 hội viên. Đầu năm 1930, Nguyễn
Văn Phúc, Bí thư Đảng bộ t. Thái Bình đã trực tiếp kết nạp cả 6 hội viên VNCMTN
Luật Trung vào ĐCS và cử Lê Tuân làm Bí thư chi bộ, trực thuộc Đảng bộ t. Thái
Bình. Lê Tuân được giao nhiệm vụ in thạch truyền đơn và báo chí của Đảng bộ t.
Thái Bình. Tháng 5-1931, bị địch bắt cùng với Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hữu Tiến
(người đầu tiên vẽ cờ đỏ sao vàng). Bị giam ở Hỏa Lò, Sơn La rồi đưa ra Côn Đảo.
Năm 1936 được trả lại tự do. Sau Cách mạng tháng 8-1945, công tác ở Tổng liên
đoàn lao động Việt Nam, năm 1947 được kết nạp lại vào ĐCSVN, được giao làm Phó
Ban Tài chính. 1950 làm thư ký cho Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Tôn Đức Thắng.
1951 chuyển sang phụ trách hành chính của cơ quan Mặt trận. Khi về Thủ đô, làm
báo Cứu Quốc đến năm 1974 nghỉ hưu.
Lương Chí (1919-2008) : Quê l. Đông Cao, x. Tây Tiến, h.
Tiền Hải. Tham Gia cách mạng năm 1935. Tháng 6-1940, tại hội nghị thành lập Huyện
ủy Tiền Hải chính thức, được bầu vào Ban
Huyện ủy, đến 10-1940 được Tỉnh ủy chỉ định làm Bí thư Huyện ủy h. Tiền Hải
thay Nguyễn Trung Khuyến lên công tác ở tỉnh. Cuối 1940, được bổ sung vào BCH tỉnh
Đảng bộ. Trong lúc đi công tác ở h. Quỳnh Côi, bị mật thám Pháp bắt, đánh đập
tra tấn dã man, nhưng không khai báo, bị xử tù 20 năm, giam ở Hỏa Lò (Hà Nội),
rồi đầy ra Côn Đảo. Cách mạng tháng tám 1945 thành công, Trung ương đón về Nam
Bộ, phân công về h. Phụng Hiệp, t. Cần Thơ.
Từ đầu 1951 đến giữa 1951 là Quyền Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ; từ giữa 1951
đến 11-1954 là Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. 1-1955 tập kết ra miền Bắc, là chuyên
viên Văn phòng Bộ Công nghiệp, rồi Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ và Lao động tiền
lương Bộ Điện lực. Nghỉ hưu năm 1980. Ông là thành viên sáng lập Hội đồng hương
Thái Bình tại tp Hồ Chí Minh. Qua đời 3- 2008. Khen thưởng: Huân chương Độc lập
hạng hai, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến (chống Mỹ)
hạng nhất, Huy hiệu Thành đồng tổ quốc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Lương Nhưng (1920 - 1948) : Quê l. An Thái, tg Thịnh Quang,
nay là x. Lê Lợi, h. Kiến Xương. Nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, học hết chương
trình bậc tiểu học. Lớn lên, ham đọc sách báo tiến bộ và hăng hái tham gia đấu
tranh chống tệ tham nhũng, bóc lột của bọn tổng lý, cường hào trong làng. Cuối
năm 1938 được kết nạp vào đoàn thanh niên dân chủ. Tháng 8 - 1940 chi bộ tg Thịnh
Quang (Kiến Xương) kết nạp Lương Nhưng vào ĐCS. Phong trào chống Pháp, Nhật ở Thái Bình lúc này rầm rộ phát triển, ở nhiều
làng đã có những đội tự vệ, bí mật sắm sửa vũ khí và tập luyện. Lương Nhưng bàn
với chi bộ tổ chức ra đội tự vệ vũ trang ở các làng trong tg Thịnh Quang. Đội tự
vệ An Thái được cấp ủy điều đi bảo vệ nhiều cuộc mít tinh trong vùng Kiến
Xương, Tiền Hải, trong đó có cuộc mít tinh Mả Bụt ngày 12-9-1940 kỷ niệm ngày
Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tại Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ họp tháng 12-1940, Lương
Nhưng được bầu làm Tỉnh ủy viên dự khuyết và sau đó được phân công làm Bí thư
Phủ ủy p. Kiến Xương. Tháng 3-1941,
Lương Nhưng bị bắt, kết án 20 năm khổ sai, giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), Khám lớn Sài
Gòn, rồi đày ra Côn Đảo vào đầu năm 1943. Sau cách mạng tháng 8 -1945, được đón
về đất liền, tham gia Ban thường vụ Tỉnh ủy Châu Đốc (nay thuộc t. An Giang) và
hoạt động trong Tổng hội Việt Kiều Khơ Me của Nam Bộ. Ngày 10-10-1948, hy sinh
tại biên giới.
Ngô Duy Hưng (1879-1940) : Tức Ngô Văn Hưng, quê l. Đông
Cao, nay thuộc x. Tây Tiến, h. Tiền Hải. Là Chánh hội l. Đông Cao, tham gia
phong trào văn thân yêu nước ở Tiền Hải. Cuối 1928, cùng với Đầu Vũ Tốn, Ngô Hữu
Rượu, Ngô Duy Triệu, Ngô Nguyện, Ngô Ninh được kết nạp vào Hội VNCMTN, do Ngô
Duy Phớn làm tổ trưởng. Đến 3-1930, cùng với cả nhóm “Thanh niên” nói trên được
kết nạp vào ĐCS, do Ngô Duy Phớn làm Bí thư chi bộ. Trong vụ biểu tình ở Tiền Hải
ngày 14-10-1930, gia đình ông 7 người bị bắt: Ngô Duy Phớn (con); Ngô Hữu Rượu
(em thứ hai), Ngô Duy Triệu (em thứ ba), Ngô Duy Phơn (em thứ tư); Ngô Nguyện
và Ngô Ngỗi (cháu). Ông bị kết án 10 năm
khổ sai, bị đầy ra Côn Đảo. Năm 1936 được
ra tù, về địa phương tiếp tục hoạt động. Mất ngày 23-10-1940.
Ngô Duy Phơn (1889 - ?) : Quê l. Đông Cao, nay thuộc x. Tây Tiến,
h. Tiền Hải. Là người có học thức, làm Lý trưởng l. Đông Cao. Tham gia Hội
VNCMTN năm 1928, đến 1930 được kết nạp vào ĐCS. Bị bắt trong vụ biểu tình ở Tiền
Hải ngày 14-10-1930, bị kết án 15 năm tù khổ sai, 20 năm quản thúc; bị đi đầy
Côn Đảo cùng với anh cả là Ngô Duy Hưng và 2 cháu là Ngô Duy Phớn, Ngô Nguyện. Tháng 8-1936 được tha tù, về quê tiếp
tục hoạt động, đến 1940 lại bị bắt. Năm 1945 tham gia khởi nghĩa giành chính
quyền ở địa phương, được cử làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời h. Tiền Hải.
Trải qua KCCP, KCCM, liên tục công tác đến ngày nghỉ hưu. Được thưởng Huân
chương Kháng chiến hạng hai.
Ngô Duy Phớn (1905-1940) : Quê l. Đông Cao, nay thuộc x. Tây Tiến, h. Tiền Hải. Là con thứ hai của
Ngô Duy Hưng, có học thức. Được Vũ Trọng ở Trình Phố tuyên truyền lý tưởng cách
mạng, tháng 5 -1928, được kết nạp vào Hội VNCMTN. Cuối 1929 được kết nạp vào
ĐCS, được chỉ định làm Bí thư chi bộ Đông Cao. Trong cuộc biểu tình của nông
dân Tiền Hải ngày 14 - 10 -1930, được cử làm trưởng ban đấu tranh. Sau cuộc biểu tình, bị địch bắt, kết
án 10 năm tù, cả hai cha con Ngô Duy Phớn đều bị đày ra Côn Đảo. Tháng 8-1936
được “ân xá” trở về quê, tiếp tục hoạt động. Tháng 6-1937, tại Hội nghị thống
nhất ba nhóm lãnh đạo ở ba vùng, được bầu vào BCH tỉnh Đảng bộ, trực tiếp phụ
trách h. Tiền Hải. Tháng 8-1939, tham gia
Xứ ủy Bắc Kỳ (theo Bằng Tổ quốc ghi công , Ngô Duy Phớn là “Bí thư Xứ ủy
Đảng Cộng sản Đông Dương”. Bí thư Liên Tỉnh ủy C (Thái Bình, Nam Định, Ninh
Bình, Hà Nam). Tháng 2-1940, bị địch bắt ở cơ quan in báo Tiến lên của Xứ ủy Bắc
Kỳ tại Thọ Vực (Xuân Trường, Nam Định). Địch dụ dỗ, mua chuộc và tra trấn rất
dã man, ông nói: “Chúng mày có thể giết được tao, tao chết nhưng đã có trăm
ngàn người khác đứng lên đạp đầu chúng mày xuống. Đất nước Việt Nam sẽ là mồ
chân chúng mày”. Ông hi sinh ngày 17-3-1940 tại nhà tù Nam Định.
Ngô Nguyện (1900 -1944) : Quê l. Đông Cao, nay thuộc x.
Tây Tiến, h. Tiền Hải. Là con cả Ngô Hữu Rượu. Được kết nạp vào Hội VNCMTN cuối
năm 1928, đến tháng 3-1930 được kết nạp vào ĐCS. Bị bắt trong vụ biểu tình ở Tiền
Hải ngày 14-10-1930. Ngày 5-5-1931, Tòa án đệ nhị cấp Thái Bình kết án 15 năm khổ sai, đầy đi Côn Đảo. Năm 1936 được ra
tù, về địa phương tiếp tục hoạt động, đến
1940 lại bị bắt. Mất ở nhà tù Hà Nội năm 1944.
Nguyễn Danh Đới (1905-1943) : Quê x. Vũ Trung, h. Kiến Xương.
Từng học ở trường Thành chung Nam Định. Mùa hè năm 1926, sang Quảng Châu dự lớp
huấn luyện cách mạng. Cuối năm 1926, về Hà Nội hoạt động trong Kỳ bộ Thanh niên
Bắc Kỳ, rồi được cử làm Bí thư Kỳ bộ, kiêm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội.
Tháng 3-1929, bị địch bắt tại quê l. Động Trung, bị xử tù 5 năm, đày ra Côn Đảo.
Tại đây, ông được được tiếp súc với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn
Văn Cừ, Hà Huy Giáp, Bùi Lâm. Cuối năm 1932, trở về Thái Bình, tham gia Tỉnh ủy.
Thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Nguyễn Danh Đới tích cực hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Tên ông xuất hiện nhiều trên các tờ báo xuất bản ở Hà Nội và Thái Bình. Trong
cuộc vận động bầu cử viện Dân biểu Bắc Kỳ năm 1938, Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Văn
Năng, Bùi Đăng Chi, Trần Cung... đều ở trong ban lãnh đạo đấu tranh. Tháng
7-1940, Nguyễn Danh Đới lại bị bắt đưa đi căng Bắc Mê (Hà Giang), rồi các nhà
lao Phú Thọ, Thái Nguyên. Kẻ thù hèn hạ đã tiêm thuốc độc làm cho ông trở thành
phế nhân và chết dần trong lao tù. Con trai thứ hai của ông là Nghệ sĩ nhân dân
Nguyễn Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
Nguyễn Hữu Đan (1919-2008): Quê quán l. Dưỡng Thông, nay thuộc x.
Thượng Hiền, h. Kiến Xương. Được kết nạp vào ĐCSĐD ngày 9-9-1939 tại chi bộ Đảng
l. Dưỡng Thông, hoạt động trong tổ chức Thanh niên phản đế và là đội viên thanh
niên xung kích vũ trang bảo vệ các cuộc đấu tranh ở địa phương. Sau được điều
lên tỉnh làm công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở ở các xã Lai Vi, Hữu
Tiệm thuộc tg Đa Cốc, h. Vũ Tiên. Từ 5-1940 làm giao liên cho Xứ ủy Bắc Kỳ.
1-1941, trong lúc đi lạc ở t. Ninh Bình, bị chỉ điểm, mật thám Pháp bắt đánh đập
tra tấn, vẫn giữ được bí mật của Đảng. Bị kết án 20 năm tù khổ sai, giam ở Hỏa
Lò (Hà Nội), Sơn La rồi đầy ra Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 được đón về
đất liền và được giao nhiệm vụ về t. Cần Thơ thành lập đại đội Cộng hòa vệ binh
Phan Ngọc Hiển, phụ trách công tác chính trị. Địa bàn hoạt động từ Cần Thơ đến
U Minh, vừa đánh giặc, vừa gây dựng phong trào. Sau 3 lần bị thương, 1950 về
phòng chính sách Quân khu 9. Năm 1954 tập kết ra miền Bắc, làm Phó phòng Hậu cần
Sư đoàn 308, rồi phái viên thanh tra quân đội. Từ 1962 chuyển ngành, làm Cục
trưởng Cục Bảo vệ Bộ Giao thông Vận tải, sau chuyển sang K31 Bộ Công an. Sau
1975 vào tp. Hồ Chí Minh làm trợ lý Giám đốc Công an thành phố Mai Chí Thọ. Nghỉ
hưu 1980, đã cùng các đồng chí Võ Quang Anh, Lương Chí sáng lập Hội đồng hương
Thái Bình tại tp. Hồ Chí Minh. Khen thưởng: Huân chương Độc lập hạng 3, Huân
chương Chiến thắng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Kỷ niệm chương
Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng ...
Nguyễn Mạnh Hồng : Tên thật là Nguyễn Đức Nguyên,
quê l. Vọng Lỗ (nay thuộc x. An Vũ, h. Quỳnh Phụ). Từ công nhân giác ngộ cách mạng,
1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản, 1931 bị bắt, giam ở Côn Đảo. 1933 được trả tự do, về Thái Bình tham gia Ban tỉnh
ủy. 11-1933 lại bị bắt, 1936 ra tù. 1937 - 1938 hoạt động trong phong trào Mặt
trận dân chủ. Cuối 1939 lại bị bắt, 1944 ra tù, về quê hoạt động. Đầu năm 1945
tham gia Việt Minh, giành chính quyền ở huyện lỵ Phụ Dực. 1946 phụ trách Nông hội
tỉnh, 1960 công tác tại Tổng cục Lâm nghiệp.
Nguyễn Thế Long (1908-1950) : Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (1932),
quê l. Thanh Giám, nay thuộc x. Đông
Lâm, h. Tiền Hải, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Từ khi còn là học
sinh trường tiểu học Tiền Hải đã say sưa tìm đọc những cuốn sách lịch sử và văn
học nói về các phong trào yêu nước. Năm 1927, học trường tư thục Minh Thành. Từ
đây, ông gia nhập Hội VNCMTN. 1928 về quê Thanh Giám gây dựng cơ sở. Cuối 1929
được kết nạp vào ĐCS. Sau đó ít lâu được điều lên công tác ở Xứ ủy Bắc Kỳ. 1930
bị bắt ở Nam Định. 1931 bị kết án khổ sai chung thân. Trong khi bị giam ở nhà
lao Hải Phòng, chờ ngày ra Côn Đảo, đã trốn thoát về Thái Bình gây dựng lại Ban
Tỉnh ủy. Tháng 2-1932, Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 ủy viên được thành lập, Nguyễn
Thế Long được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 6-1932, bị bắt ở bến đò Cam Châu (h.
Thụy Anh), bị kết án khổ sai chung thân,
đưa ra Côn Đảo, được anh em kính phục gọi là “vua vượt ngục” và “Long tàu bay”.
Sau 1945, hoạt động ở Nam Bộ. Năm 1950, chết vì bom địch.
Nguyễn Văn Năng (1902 - 1964) : Quê l. Thượng Phú, nay thuộc x. Đông
Phong, h. Đông Hưng. 1926, đang học năm thứ tư trường Thành chung Nam Định, ông cùng một số bạn học tổ chức bãi khoá, truy điệu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Bị đuổi học và cấm thi, tháng 3 -1926 trở về Thái Bình, được giao nhiệm vụ phát triển cơ sở Thanh niên và
gây quỹ ủng hộ tài chính cho Tổng bộ Thanh niên.
Mùa thu 1927 cùng một số đồng chí lập trường tư thục Minh Thành, có 6 lớp, lấy chỗ tập hợp quần chúng.
Ngày 2-1-1927,
chi bộ Hội VNCMTN đầu tiên với 11 hội viên được thành lập tại trường, ông được cử làm Bí thư. Đầu 1928, trường bị đóng cửa. Tháng 3-1928, tỉnh bộ Thanh niên Thái Bình được thành lập, Nguyễn Văn Năng được bầu làm Bí thư. Từ 1929 đến 1944, ông bị bắt nhiều lần, hết đày ra Côn Đảo, rồi lại Sơn La và các nhà tù khác. Sau Cách mạng 8-1945, là ủy viên thường trực UBNDCMLT tỉnh Thái Bình
(1945); đại biểu Quốc hội khóa I (1946); Phó Chủ tịch UBKCHC tỉnh Thái Bình (1946); Hội trưởng Hội Văn hóa Thái
Bình (1948); Giám đốc Sở Lao động Liên Khu III (1949); Thanh tra Bộ Lao động (1953); Vụ trưởng Vụ bảo hộ lao động Bộ Lao động... Mất ngày
26/10/1964. Ngoài công tác cách mạng của đoàn thể, ông còn viết báo, làm thơ, viết văn. Bút danh “Thôn Dân” thường xuất hiện trên các báo Tin tức, Đời nay, Thời thế, Thời báo, Tân xã hội, Bạn dân. Ông có 3 tác phẩm thơ trường thiên: Tết ở xà lim , Đi Hà Giang , Đời sống nông dân. Thơ ông được tuyển in trong Thơ văn yêu nước và cách mạng. Mất ngày 26-10-1964 tại Hà Nội.
Nguyễn Văn Ngọ (1906-1954) : Còn gọi Ba Ngọ. Bí thư Tỉnh ủy
Thái Bình (1949-1950), Chủ tịch UBKCHC tỉnh Thái Bình (1946-1949). Quê l. Hạ Đồng,
x. Vĩnh Phong, h. Vĩnh Bảo, tp. Hải Phòng. Gia đình theo đạo Thiên chúa. Năm 19
tuổi học hệ trung học trường Bưởi (Hà Nội). 3-1926, tham gia bãi khóa truy điệu
để tang Phan Chu Trinh. 1927 gia nhập nhóm Nam Đồng thư xã rồi trở thành đảng
viên VNQDĐ. Cuối 1928 là hội viên VNCMTN. Cuối 1929 gia nhập ĐCS, hoạt động ở
Vĩnh Bảo, Kiến An. 3-1930, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ và ngay sau đó về công tác ở
Thái Bình và được bầu vào ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách thị xã và cả vùng Vũ
Tiên, Thư Trì. 10-1930, cùng nhiều đồng chí khác bị địch bắt ở tx. Thái Bình
trong đợt hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga. 9-1931, tại tòa Thượng thẩm,
bị coi là “người trọng yếu”, cùng với Phạm Quang Lịch, Nguyễn Văn Phúc, Quách
Đình Thát, Nguyễn Thế Long, Đặng Trần Quý bị kết tội “khuynh đảo chính phủ”, chịu
20 năm khổ sai, mức án nặng nhất, bị đày ra Côn Đảo. Cuôí 1937, được “ân xá”,
trở về tiếp tục hoạt động. Cuối 1939, lại bị bắt đi căng Bắc Mê, rồi Bá Vân...
Đầu 1945, trốn trại về quê hoạt động trong phong trào Việt Minh. Cách mạng
tháng Tám thành công, được cử làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời h. Vĩnh Bảo.
Từ đầu 1946 đến đầu 1950 được bầu làm Chủ tịch UBHC, UBKCHC tỉnh và Bí thư Tỉnh
ủy Thái Bình. 1949, là Khu ủy viên Liên khu III. Đầu 1950 bị ốm nặng. 6-1950 được
đưa sang Trung Quốc điều trị. Mất tại Bắc Kinh ngày 4-6-1954.
Nguyễn Văn Phúc (1903 -1946) : Người l. Trung Nghĩa, nay thuộc
x. Liên Minh, h. Vụ Bản, t. Nam Định. Tên khai sinh là Nguyễn Văn Xuân, biệt hiệu
Nam Hồng. Học trường Thành Chung (Nam Định). 1927 được kết nạp vào Hội VNCMTN,
đầu 1929 làm Bí thư Tỉnh bộ Nam Định. 4-1929, được Kỳ bộ Bắc Kỳ điều lên công
tác và tham gia phong trào vô sản hóa ở Hà Nội, trở thành một trong những đảng
viên đầu tiên của ĐDCSĐ. Cuối 1929 đầu 1930, là cán bộ thoát ly, công tác ở Tỉnh
ủy Thái Bình 5-1931, bị địch bắt, kết án
20 năm khổ sai, trải qua các nhà tù Hỏa
Lò, Sơn La, Côn Đảo. 9-1936 được đưa về quản thúc tại quê nhà. Thời gian này,
Nguyễn Văn Phúc đã liên lạc với Tỉnh ủy Nam Định, gây dựng chi bộ ĐCS đầu tiên
của h. Vụ Bản. 1938, được Đảng cử làm quản trị các tờ báo công khai như Tin tức,
Lao động của Mặt trận Dân chủ Đông Dương. 1939, lại bị địch bắt kết án 3 năm
tù, đầy đi Sơn La, phát vãng đến các trại Bá Vân (Thái Nguyên), Nghĩa Lộ (Yên
Bái). Năm 1945 vượt ngục, tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng và ngày
20-8-1945 tổ chức cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Yên Bái. Được cử làm
Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch ủy ban Cách
mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Bị bọn QDĐ phản động sát hại tại nhà tù Yên Bái
ngày 6-2-1946.
Nguyễn Văn Vực (1909-1952) : Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình
(1937-1940). Quê l. Kênh Son, nay lthuộc x. Minh Hưng, h. Kiến Xương. Đỗ sơ học
yếu lược, 1927 thôi học ở tx. Thái Bình trở về quê, được Nguyễn Việt, bạn học
cũ giới thiệu vào Hội VNCMTN, 7-1929, được kết nạp vào ĐCS, đã cùng chi bộ Đảng
lãnh đạo quần chúng đấu tranh ủng hộ công nhân dệt Nam Định (4-1930), vận động
nông dân đòi vay thóc cứu đói, tố cáo tội ác của giặc Pháp và bọn tay sai.
3-1931, bị địch bắt và bị quản thúc tại nhà, đã mở trường dạy học để tiếp tục
hoạt động. 7-1937, tại hội nghị toàn tỉnh ở Vũ Lăng, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Từ đó, Thái Bình trở thành tỉnh có phong trào nông thôn mạnh nhất ở Bắc Kỳ.
4-1940, bị địch bắt đưa sang sở mật thám Nam Định, bị kết án 20 năm khổ sai,
giam ở Hỏa Lò, Sơn La, rồi Côn Đảo. Cuối 8-1945, được đón về Nam Bộ, 10 - 1945
được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm thời t. Sóc Trăng. Năm 1946, là Bí thư Khu
ủy khu 9. Năm 1950 là Trưởng ban Nông vận miền Nam. Mất ngày 25-8-1952.
Nguyễn Văn Xuy (1909 - 1940) : Quê x. Bình An, tg Khê Kiều, h.
Thư Trì (nay thuộc x. Hòa Bình, h. Vũ Thư). Tốt nghiệp sơ học yếu lược. Cha mẹ
mất sớm. Là học sinh lớn chăm chỉ và có nhận thức tốt, lại được thầy giáo Tống
Văn Phổ dìu dắt và kết nạp vào VNCMTN từ 1927. Thường được giao nhiệm vụ liên hệ
các mối phong trào ở một số nơi, như sang Đồng Đức cống Vực đến nhà ông Chi, xuống
kênh đào Hồng Phong gặp đồng chí Phạm Quang Thẩm, có đợt đến tận các xã ven biển
Thần Đầu, Thần Huống (Thái Ninh). 9-1929 được kết nạp vào ĐCS ở chi bộ Bình An.
Sau đợt cắm cờ, rải truyền đơn nhân ngày quốc tế lao động 1-5-1930, bị mật thám
Pháp bắt, kết án tù 8 năm, đầy ra Côn Đảo. 1936 ra tù, tuy vẫn bị quản thúc tại
làng, đồng chí vẫn ngày ngày đi bán muối, kết hợp chắp mối phong trào. 1940 lại
bị bắt đưa đi an trí ở Sơn La và mất tại nhà tù.
Phạm Hồng Thám (1902 - 1978) : Quê x. Bách Thuận, h. Vũ Thư. 17 tuổi
bỏ học theo chú ra làm phu mỏ tại Cẩm Phả. Bị đuổi việc vì tham gia đấu tranh
chống chủ ngược đãi. 8-1920 vào lính, 1921 sang Pháp, 1925 về Việt Nam, là lính
khố đỏ thuộc Trung đoàn pháo thủ số 3 Bắc Kỳ, đóng tại tx Bắc Ninh. 9-1928, Bí
thư chi bộ Hội VNCMTN lính khố đỏ thành Bắc Ninh (7 người). 8-1929, Bí thư chi
bộ ĐDCSĐ trại lính khố đỏ thành Bắc Ninh. 27-1-1930, Pháp bắt kết án 20 năm khổ
sai, giam ở Hỏa Lò rồi đày ra Côn Đảo. Từ 1931, liên tiếp 3 lần vượt biển không
thành. Đêm 30-4-1935, cùng một số tù chính trị vượt biển trót lọt, về h. Vĩnh
Châu (Bạc Liêu) nối lại hoạt động. 1936, chỉ đạo vận động thành lập ủy ban hành
động thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ giải phóng, Hội đá banh, Hội truyền bá quốc
ngữ. 1937, Bí thư Đảng bộ Cà Mau. 7-1937, đại diện Liên Tỉnh ủy Hậu Giang tại
ba tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng. 3-1940 bổ sung vào Xứ ủy Nam Kỳ; 7 -
1949, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời t. Sóc Trăng; 8 - 1940, Thường vụ Xứ ủy, phụ
trách Ban quân sự kiêm binh vận khu vực Cáp Xanh Jắc (Vũng Tầu), Bà Rịa, Biên
Hòa. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), trở về U Minh. Cuối 1942, gây dựng cơ sở Hà
Tiên, lập Hội nông dân và Thanh niên phản đế, Chi bộ Thuận Yên, huấn luyện du
kích... 1942-1945, Trưởng Ban vận động tái lập Đảng bộ Nam Kỳ, ra báo “Độc lập”,
in truyền đơn kêu gọi nhân dân chống Nhật, Pháp. Đầu 8 - 1945, Bí thư Tỉnh ủy
lâm thời t. Hà Tiên, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh. 1946 chỉ huy Vệ
quốc đoàn tỉnh, xây dựng công binh xưởng, khu căn cứ U Minh. 1947-1949, chỉ huy
tác chiến các mặt trận Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long Xuyên, Cần Thơ, Long Châu Hà.
Đặc phái viên Thanh tra quân sự Liên khu Nam Bộ (1951), Giám đốc Sở kho thóc
Nam Bộ (1953 - 1954). Sau 1954, bảo vệ đồng chí Lê Duẩn trong thời kỳ hoạt động
ở Nam Bộ. 1964, công tác ở Ban tổ chức Khu ủy miền Tây Nam Bộ. 1967 nghỉ điều
dưỡng lâu dài. Mất 5 - 8 - 1978 tại Hà Nội.
Phạm Mẫn (1910 - 2009) : Tên khai sinh là Phạm Hoài. Quê
th. Nam Huân, x. Đình Phùng, h. Kiến Xương. 9-1929, được kết nạp vào thanh niên
Cộng sản đoàn, sau đó trở thành đảng viên ĐCSVN. 12-1929, cùng với Phạm Luận phụ
trách cửa hàng tạp hóa ở chợ Lụ (Kiến Xương) là nơi liên lạc của Đảng. Tháng
4-1930, được dự lớp học chính cương, điều lệ Đảng tại nhà thờ họ Phạm, do các Xứ
ủy viên, Tỉnh ủy viên trực tiếp huấn luyện. Ngày 17-10-1930, bị địch bắt lần thứ
hai, kết án 10 năm khổ sai, giam ở các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Ra tù, đầu
1945 trốn lên Thái Nguyên hoạt động. 1945 - 1948: ủy viên UBHC, UBKCHC t. Thái
Nguyên. 1949, ủy viên UBKCHC t. Bắc Cạn, Bí thư Đảng đoàn chính quyền. 1950 -
1952: Huyện ủy viên, Chủ tịch UBKCHC h. Phụ Dực (Thái Bình). 1953, Sở trưởng Sở
Thuế t. Thái Bình. 1954 - 1956: Thư ký vụ ủy ban tiếp quản khu vực 300 ngày tại
Hải Phòng. 1957, Chủ nhiệm Công ty Bách hóa bông vải sợi Hải Phòng. 1965, Hiệu
phó trường trung học Nông nghiệp Hải Phòng. 1970, Hiệu phó trường trung học
Kinh tế Hải Phòng. Nghỉ hưu 1976. Mất ngày 26-3-2009. Huân chương Độc lập hạng
ba, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhất, 1 Huân chương Kháng chiến hạng nhì.
Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 60 năm tuổi Đảng.
Phạm Quốc Sắc (1918-1991) : Quê th. Phương Trạch, x. Phương Công, h. Tiền Hải. Tham gia hoạt động cách mạng từ đầu năm 1945 tại Sài Gòn, là trưởng đoàn Thanh niên Tiền phong ga xe lửa Sài Gòn. Sau
Cách mạng tháng Tám, công tác trong ngành quân
báo tại Sài Gòn - Chợ Lớn, bị địch bắt giam từ 4-1946 đến 12-1947 tại bót Catina và Khám lớn Sài Gòn. Sau khi ra tù, tiếp tục công tác trong ngành quân báo, tháng 7-1948 được kết nạp vào ĐCSVN,
tháng 8-1954, được cử làm Phó Ban binh vận Tỉnh ủy Chợ Lớn. Cuối 1955, bị địch bắt, giam tại các nhà tù ở Chợ Lớn, Ty Đặc cảnh miền Đông, Trung
tâm cải huấn Tân Hiệp (Biên Hòa),
đến tháng 1-1957 bị đầy ra nhà tù
Côn Đảo đợt đầu tiên cùng với 360 tù chính trị, mở đầu cho việc thực hiện chế độ nhà tù của Mỹ và chế độ Sài Gòn, trong đó trọng tâm là bức ép, khuất phục tư tưởng chính trị bằng những thủ đoạn khủng bố tinh thần hết sức khủng khiếp kèm với những trận đòn đánh đập tàn khốc. Cuộc đấu tranh chống ly khai của hàng ngàn tù chính trị ở Côn Đảo đã diễn ra quyết liệt, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong giai đoạn này. Đến cuối tháng
8-1961, lực lượng chống ly khai cộng sản ở Chuồng Cọp chỉ còn lại 7 người: Lưu Chí Hiếu, Cao Văn Ngọc, Trần Trung Tín,
Hoàng Sơn, Phan Trọng Bình, Nguyến Đức Thuận và Phạm Quốc Sắc, đã vẹn toàn khí tiết, toàn thắng trở về. Tháng 7-1964, nhà thầu khoán Mai Hồng Quế trong dinh Độc Lập (cơ sở của Đảng) bảo lãnh ra tù và đưa ra căn cứ an toàn. Từ 7-1965 là ủy viên Ban tổ chức kiêm ủy viên ủy ban Kiểm tra Đảng khu Trung Nam Bộ (Khu 8). Trong thời gian thi hành Hiệp định Pari, ông công tác tại Tiểu ban trao trả nhân viên
quân sự và dân sự trong Ban Liên hiệp quân sự 4 bên và 2 bên ở Tân Sơn Nhất. Sau 30-4-1975, công tác tại Ban Tổ chức Trung ương cục, phụ trách công
tác tiếp nhận hồ sơ công an tình báo, chiêu hồi và nhà tù Mỹ ngụy. Từ 6-1976, là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng Ban Tổ chức Trung ương, thường trực Tiểu ban Bảo vệ Đảng Trung ương. Nghỉ hưu 3-1979 tại tp. Hồ Chí Minh. Được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng hai,...
Phạm Thuần (1905-1999) : Quê th. Nam Huân, x. Đình Phùng,
h. Kiến Xương. Tham gia cách mạng từ 2-1927, Bí thư chi bộ VNCMTN liên xã Nam
Huân-Thịnh Quang, kiêm phái viên liên lạc của Tỉnh bộ. Tháng 9-1929 được chuyển
thành đảng viên ĐCS. Bị bắt trong cuộc đấu tranh vay thóc cứu đói đầu năm 1930,
bị phạt 8 tháng tù giam, ở tù được 2 tháng thì trốn được, đi thoát ly làm ở cơ
quan ấn loát của Tỉnh ủy Thái Bình. Tháng 4-1931, cùng Lê Tuân đi họp xứ, cả
hai đều bị bắt ở Hà Nội trong vụ Nghiêm Thượng Biền phản bội, bị kết án 10 năm
tù khổ sai và 20 năm quản thúc, giam ở các nhà tù Hà Nội, Côn Đảo. Tháng 8-1937
được ra tù, về địa phương tiếp tục hoạt động. Tháng 2-1945, đội trưởng tự vệ
xã. Tháng 8-1945, được cử làm Chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời x. Nam
Huân. Năm 1946 làm Phó Giám đốc nhà máy
đúc tiền Thái Nguyên. Từ 1947, công tác ở t. Phú Thọ: Huyện ủy viên, rồi Bí thư
Huyện ủy Phù Ninh (1947-1948); Bí thư Nông hội tỉnh (1949); Bí thư Huyện ủy
Đoan Hùng (1950); Huyện ủy viên h. Thanh Thủy (1951); Tỉnh ủy viên, Trưởng ty
Công an (1952-1956); ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách sửa sai (1956);
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBHC tỉnh (1956-1961); ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Phó Chủ tịch UBHC tỉnh (1961-1963); ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ
chức Tỉnh ủy (1963-1967); Chủ tịch UBMTTQ t. Phú Thọ (1967-1975). Nghỉ hưu từ
3-1975. Được thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống
Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Chiến thắng
hạng nhất. Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 60 năm, 70 năm tuổi Đảng. Con trai ông là
Phạm Phú Thái, Trung tướng, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng.
Quách Đình Thát (1911-1938) : Chiến sĩ cách mạng tiền bối. Quê
l. Phúc Khê Tiền, tg Phúc Khê (nay là th. Phúc Tiền, x. Thái Phúc, h. Thái Thụy).
Là học sinh trường Minh Thành, được kết nạp vào Hội VNCMTN từ 1927. Tại Đại hội
đại biểu VNCMTN t. Thái Bình tháng 3-1928, được bầu vào Ban Tỉnh bộ “Thanh
niên” gồm 7 người. Cuối tháng 6-1929, Đảng bộ ĐDCSĐ Thái Bình được thành lập,
Quách Đình Thát là Tỉnh ủy viên. Tháng 11-1929, hai tổ Đảng Phúc Khê và Thuyền
Quan sáp nhập thành một chi bộ, gồm Quách Đình Thát, Tăng Văn Thiều, Hà Ngọc
Thiến, Nguyễn Văn Tố và Phạm Hùng, do Quách Đình Thát làm Bí thư. Chi bộ ghép
Phúc Khê - Thuyền Quan là chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng Thái Ninh - Thụy Anh. Đầu
năm 1930, kết nạp thêm Tăng Văn Yêm và Nguyễn Duy Đèo đều là người cùng làng với
Quách Đình Thát, Tăng Văn Thiều. Sau khi chủ trương đấu tranh vay thóc cứu đói
của Tỉnh ủy Thái Bình được phổ biến, chi bộ Phúc Khê - Thuyền Quan đã tổ chức
cuộc đấu tranh vay thóc nhà Bá Chất vào ngày 12-4-1930. Kế hoạch bị lộ, Bá Chất
biết trước sự việc sẽ diễn ra, đã chuẩn bị lực lượng đề phòng và cho người đi
báo với Tri phủ Thái Ninh. Cuộc đấu tranh diễn ra gay go quyết liệt. Đảng viên
và những quần chúng trung kiên bị bắt 10 người, trong đó có Quách Đình Thát và
Tăng Văn Thiều. Quách Đình Thát bị phạt tù 8 tháng. Sau cuộc biểu tình Duyên Hà
- Tiên Hưng ngày 1-5-1930 và cuộc biểu tình ở Tiền Hải ngày 14-10-1930, tòa án
Đệ nhị cấp Thái Bình và tòa Thượng thẩm đã buộc các chiến sĩ cách mạng Thái
Bình vào tội “Âm mưu khuynh đảo chính phủ”,
“làm rối trị an” và kết án 20 năm khổ sai đối với Quách Đình Thát, Nguyễn Văn
Ngọ, Phạm Quang Lịch, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thế Long, Đặng Trần Quý, Vũ Tiến
Lữ tức Hai (những người bị kết án nặng
nhất trong “Vụ Cộng sản ở Thái Bình”). Quách Đình Thát bị giam ở Thái Bình, Hỏa
Lò (Hà Nội), rồi bị đày ra Côn Đảo và đã hy sinh anh dũng tại nhà tù Côn Đảo
năm 1938.
Tăng Văn Thiều (1910 - 1942) : Chiến sĩ cách mạng tiền bối. Quê th. Phúc Tiền, x.
Thái Phúc, h. Thái Thụy. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ mất
sớm. Tháng 1-1928, được kết nạp vào Hội VNCMTN. Năm 1929, được kết nạp vào ĐCS.
Năm 1930, tham gia cuộc đấu tranh đòi bọn nhà giầu phải cho nông dân vay thóc cứu
đói, bị bắt giam 4 tháng. Đầu 1932, là Tỉnh ủy viên lâm thời. Tháng 1-1932, được
bầu vào BCH tỉnh Đảng bộ lâm thời. Cùng năm, do Phạm Văn Nam (Tỉnh ủy viên) phản
bội, các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời: Nguyễn Thế Long (Bí thư), Lương Phôi,
Vũ Văn Vịnh và Tăng Văn Thiều đều bị bắt. Tăng Văn Thiều bị giam ở Hỏa Lò, Sơn La và 1934 bị đầy ra Côn Đảo.
Năm 1936 được trả lại tự do, trở về địa phương tham gia phong trào Mặt trận Dân
chủ. Cuối 1939, bị bắt lần thứ 3 và bị giam ở nhà nhà lao Nam Định, Thái Bình.
Ngày 4-9-1941, ông vượt ngục. Nhưng do hậu qủa của những đòn tra tấn dã man của
kẻ thù, sức khỏe của ông bị sa sút nghiêm trọng. Cuối năm 1941, ông dự lớp huấn
luyện do Xứ ủy Bắc Kỳ mở ở Xuân Trường (Nam Định). Lần này, bệnh lao của ông mỗi
ngày một nặng thêm. Đầu mùa hè 1942, biết không qua khỏi, ông đã lên sở mật
thám Thái Bình và chết ở đó để khỏi liên lụy đến cơ sở.
Tô Thúc Rịch (1900 - 1980) : Quê l. Thư Điền, nay thuộc x. Tây Giang, h. Tiền Hải. Đảng
viên ĐCSVN. 6-1930 được Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Phúc trực tiếp giao
nhiệm vụ giết Tổng đốc Vi Văn Định. Kế hoạch đã được chuẩn bị chu đáo, nhưng bất
ngờ bị cảnh sát khám xét trong người có súng và bản án xử tội Vi Văn Định. Sau
gần 5 tháng bị tra tấn ở Sở Mật thám Nam Định, thực dân Pháp đưa về tòa án Thái
Bình, kết án khổ sai chung thân. Đầu 7-1931, bị đầy ra Côn Đảo. 1934, phụ trách
trung tâm liên lạc của Hội tù và Đảng bộ Côn Đảo. Liên tục tham gia các cuộc đấu
tranh, từng bị nhốt hầm biệt giam, bị đẩy
xuống hầm xay lúa (khi đồng chí Tôn Đức Thắng và Tô Chấn đang làm cặp rằng phụ ở
đây). Nhiều lần tổ chức đóng thuyền vượt đảo không thành, 1936 đã trốn được về
đến t. Bà Rịa, lại bị bắt đưa ra Côn Đảo, bị án 2 năm cầm cố hầm. Cuối 1939,
tham gia cuộc tuyệt thực đòi bãi bỏ chế độ trị an, đòi có đèn, được đọc sách,
được viết thư, đòi bỏ cùm… kéo dài 8 ngày buộc bọn cai ngục phải nhượng bộ. Sau
Cách mạng tháng Tám 1945, được cử tham gia Hội đồng liên hiệp quốc dân Côn Đảo
cùng với các đại biểu cộng sản khác là Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương,
Lê Duẩn, Võ Sĩ, Vũ Thúc Đồng, Phan Trọng Tuệ… và được cử phụ trách Ban tổ chức
Tuần lễ vàng ở Côn Đảo, thu được số tiền 2000 đồng. Sau 10 năm ở Côn Đảo và sau 4 năm cầm cố hầm
(nhà tù của nhà tù Côn Đảo), ngày 23-9-1945, Đảng và Chính phủ đón về đất liền,
được bố trí ở lại Nam Bộ tham gia kháng
chiến. Sau 1954, ra miền Bắc làm Chánh Văn phòng Bộ Y tế. Mất ngày 4-12-1980 tại
Hà Nội. Con trai Tô Thúc Rịch là Tô Thiếp (tức Tô Việt Hùng, Điểu) là Tỉnh ủy
viên Thái Bình (1942).
Trần Cung (1898-1995) : Tên thật là Nguyễn Ngọc Cư, Quê th. Năng An, x. Vũ Hội, h. Vũ Thư. Tháng
2-1928 tham gia Hội VNCMTN, là một trong số 9 hội viên đầu tiên của xã. Tháng
8-1929, cùng hai đồng chí khác được chọn kết nạp vào ĐCS khi Đảng chưa hợp nhất,
lập thành chi bộ đầu tiên của Vũ Tiên - Thư Trì. 1929 -1930 là Xứ ủy viên Bắc Kỳ,
hoạt động ở Hải Phòng. Bị Pháp bắt ngày 3 -5-1932, kết án 20 năm tù, trải qua
các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. 7-1936, khi Mặt trận Bình dân Pháp nắm
chính quyền, được ra tù trở về hoạt động trong Mặt trận dân chủ, là phóng viên
các báo Thực nghiệp , Tin tức , Nhành lúa , Bạn dân . Tháng 9-1938 bị thực dân Pháp bắt tù lần thứ
hai về tội làm báo, viết báo chống chế độ. Cuối 1940 lại bị bắt đi căng Bắc Mê
(Hà Giang). 4-1944 ra tù, cùng các đồng chí Nguyễn Bình, Nguyễn Hải Thanh lập Chiến
khu Đông Triều. Sau 1945, làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. 1946 là Xứ ủy viên phụ trách ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn,
Lạng Sơn. 1947-3/1948 là ủy viên Khu XII và Khu X. 4/1948 - 8/1949: ủy viên Ban
Kiểm tra trung ương và ủy viên Ban Thi đua toàn quốc. 9/1949 -10/1956: ủy viên
Đảng đoàn UBTƯMTTQVN. 11/1956-10/1958: Thường vụ Khu ủy, Phó Chủ tịch UBHC khu
Tả Ngạn. 11/1958 - 8/1959: ủy viên Đảng đoàn, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao. 9/1959 - 5/1962: ủy viên Đảng đoàn, Vụ trưởng vụ Lãnh sự bộ Ngoại giao,
Phó Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Trung. Từ tháng 6 -1962: ủy viên ủy ban thẩm
phán, Chánh tòa Tòa phúc thẩm TANDTC. 1971 nghỉ hưu. Mất ngày 9-10-1995, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Huân chương: Hồ Chí Minh, Độc lập hạng nhất,
Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất …
Trần Đức Thịnh (tức Quảng,
1901-1971) : Bí thư Ban Tỉnh
ủy lâm thời t. Thái Bình (1931). Quê x. Vũ Lăng, h. Tiền Hải. Đỗ Sơ học yếu lược.
Năm 24 tuổi, do bị thúc ép của gia đình, ra làm lý trưởng x. Vũ Lăng, sau 3 năm
phải từ chức. Được tiếp xúc với những tờ báo tiến bộ, ông cùng với hai người em
là Thử, Duyên đã tham gia hội Tương tế. Tháng 4-1930, cả ba anh em đều được kết
nạp Đảng CSĐD. Tháng 4-1931, làm Bí thư Phủ ủy Kiến Xương. Tháng 8-1931, tại cuộc
họp của tỉnh ở Cồn Đen (Tiền Hải), Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 người được thành
lập. Trần Đức Thịnh làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 12-1931 bị bắt, giam ở nhà tù
Thái Bình, Nam Định; kết án 20 năm tù khổ sai, 20 năm quản thúc, hết đày đi Sơn
La, lại Côn Đảo. Ngày 14-7-1936, ra khỏi nhà tù Côn Đảo, lại trở về Thái Bình
tiếp tục hoạt động. Cuối 1937, tham gia Tỉnh ủy (do Nguyễn Vực làm Bí thư), với
cương vị ủy viên Thường vụ. Tháng 10-1939, bị bắt đày lên Sơn La lần thứ 2. Năm
1943, về quê hoạt động. Năm 1944, Xứ ủy viên Bắc Kỳ. Sau 1945, công tác ở Tổng
bộ Việt Minh, là ủy viên Thường vụ Mặt trận Việt Minh - Liên Việt. Từ 1952, Trưởng
ban Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban kiểm tra Trung ương Đảng. Nghỉ hưu năm
1968.
Võ Quang Anh (s. 1920) : Tên thật là Đặng Ngọc Trác, quê quán l. Trình Phố, nay thuộc x. An
Ninh, h. Tiền Hải. Được kết nạp vào ĐCSĐD năm 1939, bị Pháp bắt đầy ra Côn Đảo năm 1941. Tháng
8-1945 được cách mạng đón về Cần Thơ và phân công ở lại Miền Nam chiến đấu, là
Phó Tư lệnh Quân khu 9. Sau 1954 tập kết ra Miền Bắc, công tác ở ủy ban Kế hoạch
nhà nước. Sau 1975, nghỉ hưu ở tp. Hồ Chí Minh, đã cùng các ông Lương Chí, Nguyễn
Hữu Đan cán bộ cách mạng cùng tù ở Côn Đảo về, đứng ra vận động thành lập Hội đồng
hương Thái Bình tại tp. Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét