Cụ Nguyễn Thọ Chân khi bị mật thám Pháp bắt 1943. |
Sáng Tết Độc Lập 2-9- 2011, tôi đến 85 Nguyễn Thông, Quận 3 thăm cụ Nguyễn Thọ Chân - cựu tù chính trị Côn Đảo, bạn cha chúng tôi thời hoạt động bí mật từ 1942.
Khi tôi đến, chú đang dọn sân. Trước mặt tôi một cụ già 90 tuổi khỏe mạnh, vui vẻ, minh mẫn. Tôi hỏi chú :
-Dạo này chú vẫn đi bơi đều đấy chứ?
-Chú vẫn sáng sáng đạp xe ra Câu lạc bộ Lan Anh, dạo này biết sức mình chú bơi khoảng 700-800 mét thôi .( cách đây 5 năm chú cho tôi biết thường bới 1000 mét mới đủ đô).
Tôi lè lưỡi, thán phục.
Tranh thủ báo cáo với chú về blog "Tù chính trị Côn Đảo 30-45". Chú rất vui khi biết những tư liệu do chú sưu tập được sử dụng cho việc xây dựng blog. Tôi thông báo với chú, Ban quản lý di tính lịch sử Côn Đảo có thông báo Đền Thờ Côn Đảo sắp xây song, nhửng tư liệu của blog sẽ được nghiên cứu sử dụng trong thời gian tới.
Chú kể cho tôi vài mẩu chuyện về tình con người của tù chính trị Côn Đảo rất cảm động. Xin đưa vào blog về câu chuyện chú kể.
x
Tù chính trị Nguyễn Hới và Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam) cùng bị đầy ra Côn Đảo 1930. (Cả hai có tên trong blog này). Họ rất thân thiết với nhau.
Năm 1935 Ngô Gia Tự, Nguyễn Hới cùng một số đồng chí khác được Đảng ủy đảo bố trí vượt ngục Nguyễn Hới trước khi lên đường dặn lại Phan Bôi: "Tao đi lần này không biết sống, chết ra sao. Rất thương vợ trẻ ở nhà. Nếu tao có làm sao, mày còn sống trở về thì nhớ đùm bọc lấy vợ tao". Ông Phan Bôi cảm động nhận lời.
Ông Nguyễn Hới cùng các đồng chí vượt ngục lần đó đã hy sinh trên biển. Ông Phan Bôi sau khi được trả tự do vào 1936, giữ lời hứa với bạn, đã tìm đến gia đình bạn. Sau đó đã xây dựng gia đình với bà Trịnh Thị Tuyến. Hai ông bà có người con trai là Phan Quốc Khánh, đại tá, giáo sư, tiến sỹ khoa học.
Anh Khánh vẫn đến thăm chú Nguyễn Thọ Chân. Tình cảm con người của các tù chính trị đẹp như vậy đó. Ông Phan Bôi là em của nhà cách mạng Phan Thanh, thân phụ của anh Phan Diễn nguyên ủy viên Bộ chính trị Đảng CSVN.
x
Trong tư liệu của chú Chân cung cấp có một dòng rất ngắn "Ông Hanh (chồng bà Nguyễn Thị Lựu)". Tôi báo với chú rằng, chúng tôi tìm trên mạng, trên trang Lịch sử Đồng Tháp đã tìm được tư liệu về bà Nguyễn Thị Lựu và cựu tù chính trị Côn Đảo –liệt sỹ Nguyễn Văn Hanh, người tham gia vượt ngục cùng Ngô Gia Tự, Nguyễn Hới vào 1935.
Chú kể cho tôi rằng chú,và ông Đào Duy Kỳ rất thân nhau, chú được đọc hết các thư của ông Đào Duy Anh gửi cho hai người em tù chính trị Đào Duy Kỳ, Đào Duy Dếnh (Đào Phan). Thư viết rất hay, tình cảm, rất cảm động là thư của một người anh, một trí thức lớn, gửi cac em đang bị tù đày tại Côn Đảo.
Gia đình này còn có Đào Duy Phiên, một tù chính trị- theo quan điểm Trotkits,cùng ngồi tù tại Côn Đảo trong thời gian này. Như vậy gia đình họ Đào một lúc có 3 tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Côn Đảo.
Tôi hỏi, đối với chú phần tử Trotkits là người như thế nào? Chú cho biết đó các nhà hoạt động chính trị, hoạt đông cách mạng, là những người yêu nước theo Quốc tế đệ tứ, thường là các trí thức lớn, từng có học vị cao, từng du học tại Pháp, châu Âu như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu ...
Chú nhớ lại trong tù, giữa các tù cộng sản, tù Trotkits có những cuộc tranh luận khá quyết liệt về quan điểm. Ông Tạ Thu Thâu không coi giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong của cách mạng, mà giai cấp tiên phong phải là trí thức. Nhửng tù công sản Nguyễn Thọ Chân, Mai Chí Thọ, Lê Duẩn, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Đúc Thuận, Trần Diệp.. là những người hăng hái tham gia tranh luận với cánh Trotkits do Tạ Thu Thâu là đại diện.
Chú còn cho biết thời kỳ 1930-1936, chú được các thế hệ trước cho biết giữa tù chính trị cộng sản và Quốc dân đảng cũng có những cuộc tranh luận về lý luân đấu tranh cách mạng rất gay gắt, quyết liệt, sôi nổi. Rất nhiều đảng viên Quốc dân đảng qua các cuộc tranh luân, tự nhận ra con đường đấu tranh tiếp theo của mình. Họ tự nguyên chấp nhận đường lối đấu tranh của Đảng công sản. Nhiều người đã gia nhập hàng ngũ Đảng cộng sản.
Qua câu chuyện của chú tôi hiểu hơn về cơ sở lý luận cơ bản của Đảng cộng sản Việt Nam được thực tiễn đấu tranh cách mạng kiểm chứng, trở thành vũ khí sắc bén, là cơ sở để Đảng tiến hành lãnh đạo thành công cuộc cách mạng Việt Nam.
x
Đến thăm chú tôi có ghi lại được một số hình ảnh của chú Nguyễn Thọ Chân cựu tú chính trị Côn Đảo 30-45, người đóng góp rất nhiều cho blog .
1- Ảnh khi chú bị mật thám Pháp bắt 1943.
2- Chú Nguyễn Thọ Chân 1998.
3- Bác Hồ nói chuyện tại Thành ủy Hà Nội: Chú Nguyễn Thọ Chân Phó bí thư, Trần Danh Tuyên Bí thư thành ủy cùng Bác trên chủ tịch đoàn. Ảnh chụp 1959.
4- Chú Nguyễn Thọ Chân sáng 2-9-2011.
Thay mặt thế hệ hậu sinh xin kính chúc chú Nguyễn Thọ Chân khõe mạnh, sống lâu cùng con cháu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét