Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Cha tôi - cựu tù Côn Đảo Nguyễn Văn Phúc

Trước tiên, xin thay mặt gia đình chân thành cảm ơn anh Trần Kháng Chiến đã quan tâm và cung cấp cho chúng tôi địa chỉ đỏ vô cùng quý báu này. (Nguyễn Hồng Đức – con gái của cựu tù Nguyễn Văn Phúc).



Nguyễn Văn Phúc, hiệu là Nguyễn Phúc, bí danh Nam Hồng(1903 – 1946), sinh tại tỉnh lỵ tỉnh Nam Định. Quê quán làng Trung Nghĩa, xã Liên Minh (xưa gọi là xã Hào Kiệt), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1927 cụ đã tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1929 được cử làm bí thư tỉnh bộ tỉnh Nam Định của Hội. Cụ được chọn vào Đảng đợt đầu tiên cùng với 2 vị người Nam Định nữa là đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và đồng chí Trần Quang Tặng. Đó là 3 người cộng sản đầu tiên của quê hương Nam Đinh.


Đầu năm 1930 cụ tham gia tỉnh ủy Ninh Bình, sau đó được cử làm bí thư tỉnh ủy Thái Bình, một trong các nhiệm vụ quan trọng khi đó của cụ là tổ chức đón tiếp đồng chí Trần Phú- tổng bí thư đầu tiên của Đảng về khảo sát tình hình phong trào nông dân tỉnh Thái Bình.
Cũng năm đó, cùng với tỉnh ủy Thái Bình, cụ đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của nông dân huyện Tiền Hải, gây tiếng vang lớn trong cả nước. Tên tổng đốc Thái Bình khi đó đã treo trọng thưởng cho ai mật báo bắt được cụ, mà chúng gọi là “trùm cộng sản Thái Bình”.
Ngày 22/5/1931, cụ bị bắt tại Hà Nội cùng với nhiều đồng chí khác do sự phản bội của tên Nghiêm Thượng Biền, và bị kết án 20 năm tù khổ sai và 20 năm quản thúc, cụ bị đầy đi giam cầm tại các nhà tủ Hỏa Lò, Sơn La, và sau đó là ra nhà tù Côn Đảo. Tới năm 1936, do mặt trận Bình Dân lên cầm quyền, cu được thả về quản thúc tại làng quê Trung Nghĩa.(1936-1937). Thời gian đó, cụ vẫn kiên trì hoạt động giác ngộ cách mạng cho thanh niên ở địa phương, và đã gây dựng được 1 chi bộ cộng sản của huyện Vụ Bản tại làng Trung Nghĩa.
Năm 1938-1939, cụ lên Hà Nội làm chủ nhiệm tờ “Hà Thành Thời Báo”, tờ báo tiếng iệt đầu tiên của Đảng, hoạt động trong chi bộ báo chí cách mạng do đồng chí Truờng Chinh làm bí thư. Cuối năm 1939 cụ lại bị bắt, bị kết án 3 năm tù và bị đầy lên Sơn La, hết hạn tù, cụ lại bị chuyển về an trí tại căng Bá Vân tỉnh Thái Nguyên, sau lên căng Nghĩa Lộ, rồi vào nhà tù tỉnh Yên Bái.
Sau khi vượt ngục thành công khỏi nhà tù tỉnh Yên Bái, cụ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa thắng lợi tại địa phương, được cử làm bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Yên Bái.
Tháng 9 năm 1945, cụ mang số vàng của “Tuần Lễ Vàng” tỉnh Yên Bái về Hà Nội nộp lên chính phủ, dự họp tại Bắc Bộ Phủ, và được gặp bác Hồ tại cuộc họp.
Nhân dịp này, cụ đã tranh thủ về thăm gia đình đang sinh sống và là cơ sở cách mạng tại Hà Nội, đó cũng là lần cuối cùng cụ được gặp mặt vợ con thân nhân.
Sau khi quay trở lại Yên Bái, hoàn cảnh công tác của tỉnh ủy gặp nhiều khó khăn do sự điên cuồng chống phá chính quyền cách mạng của các thế lực phản động trong Việt Nam Quốc Dân đảng.
Hằng ngày, cụ sang sông làm việc tại trụ sở chính quyền cách mạng, đến đêm lại rút về căn cứ của mình ở bên kia sông.
Đêm ngày 11/12/1945, cụ xuống họp dưới cơ sở về muộn phải ngủ lại cơ quan, thì bọn phản động Việt Nam Quốc Dân đảng dưới sự chỉ huy của 2 tên trùm phản động là Nguyên Hải và Nguyễn Xuân Vĩnh (tỉnh trưởng và tư lệnh quân phản động của ngụy quyền sau đó) đã giả danh quân đội Tưởng Giới Thạch ập vào bắt giữ cụ cùng một số đồng chí khác, và chiếm lĩnh trụ sở cơ quan chính quyền cách mạng lâm thời.
Sau hơn 2 tháng giam cầm, với mọi thủ đoạn tra tấn dã man và dụ dỗ nham hiểm, bọn chúng đã hoàn toàn bất lực và tuyệt vọng trước khí tiết son sắt kiên trinh của cụ.
Vào một đêm trời tối gió lạnh trước thềm mùa xuân, kẻ thù của cách mạng đã hèn hạ thủ tiêu cụ ngay bên ngoài cổng nhà giam, chúng khiếp sợ đảng viên cộng sản Nguyễn Văn Phúc.
Đó là đêm 9/2/1946, tức ngày ngày mùng 8 thang giêng năm Bính Tuất- một ngày đã mãi mãi đi vào ký ức thiêng liêng của gia đình chúng tôi.
(Nguyên Hồng Đức)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét